10 thực phẩm giúp tăng khả năng miễn dịch cho trẻ nhỏ

Trẻ nhỏ rất hay bị bệnh do hệ miễn dịch còn non nớt. Tuy nhiên, dù vậy, bạn vẫn có thể bảo vệ con yêu bằng một chế độ ăn giàu các thực phẩm giúp tăng khả năng miễn dịch.

Một trong những điều quan trọng để đảm bảo hệ miễn dịch của bé yêu luôn khỏe mạnh là một chế độ ăn uống thích hợp, đa dạng các loại thực phẩm và lựa chọn các loại thực phẩm giàu chất dinh dưỡng.

  1. Hạnh nhân

Hạnh nhân chứa rất nhiều vitamin E và mangan, bộ đôi dưỡng chất có tác dụng cực tốt trong việc nâng cao khả năng miễn dịch cho cơ thể. Không những vậy, bộ đôi này còn giúp tăng cường hoạt động của các tế bào tiêu diệt tự nhiên (tế bào NK – một loại bạch cầu, có khả năng tiêu diệt các yếu tố gây hại cho cơ thể).

Cách chế biến:

Hiện có rất nhiều phương pháp chế biến hạt hạnh nhân khác nhau nhưng dưới đây là 3 món phổ biến nhất:

  • Cháo hạt hạnh nhân: Đối với các bé nhỏ, bạn nên ngâm hạt hạnh nhân trong nước và xay nhuyễn trước khi nấu cháo để các bé dễ thưởng thức.
  • Sữa hạnh nhân: Thức uống chứa nhiều dinh dưỡng, cung cấp đầy đủ năng lượng cho bé cả ngày dài.
  • Chè hạnh nhân: Món ăn nhẹ lý tưởng cho các bé trên 2 tuổi bởi ở độ tuổi này, các bé thường rất thích ăn ngọt.
  1. Quả mọng

Quả mọng (berry) là một thuật ngữ được dùng để chỉ những loại trái cây nhỏ chứa nhiều nước, da thường bóng, căng tròn. Loại quả này rất giàu chất chống oxy hóa, giúp cơ thể chống lại stress oxy hóa gây ra bởi các gốc tự do, từ đó giúp tăng cường khả năng miễn dịch của cơ thể. Có rất nhiều loại quả mọng khác nhau mà bạn nên thêm vào chế độ ăn của trẻ như dâu tây, việt quất, mâm xôi, nam việt quất, sơ ri, mận…

Cách chế biến:

Có rất nhiều cách để thưởng thức quả mọng. Bạn có thể trộn salad, chế biến thành nước ép, sinh tố hoặc dùng các loại quả này để trang trí cho món bánh yêu thích của con yêu.

  1. Sữa chua

Sữa chua có chứa nhiều lợi khuẩn có tác dụng phòng tránh và ngăn ngừa các loại bệnh tật. Theo nghiên cứu của nhiều chuyên gia, những đứa trẻ được ăn sữa chua thường xuyên giảm nguy cơ mắc các bệnh như viêm họng, nhiễm trùng tai, cảm lạnh… Tuy nhiên, bạn chỉ nên cho trẻ sữa chua ít hoặc không có đường bởi đường có thể gây ra những ảnh hưởng không tốt đối với hệ miễn dịch.

Cách chế biến:

Nhằm giúp bé yêu thích món ăn này, bạn có thể dùng sữa chua để chế biến thành nhiều món ăn hấp dẫn như:

  • Sinh tố sữa chua: Bạn có thể kết hợp cùng các loại trái cây như bơ, việt quất, dâu, mít, đu đủ… để tạo thành một món ăn ngon miệng cho trẻ trong những ngày nóng nực.
  • Ngũ cốc sữa chua: Ngũ cốc kết hợp cùng sữa chua là lựa chọn hoàn hảo cho bữa sáng đơn giản mà giàu năng lượng.
  1. Cá hồi

Cá hồi rất giàu chất béo omega-3, chất béo này không chỉ cần thiết cho sự phát triển của não bộ mà còn giúp giảm viêm, tăng khả năng bảo vệ phổi khỏi cảm lạnh và nhiễm trùng đường hô hấp. Nghiên cứu mới nhất cũng chỉ ra rằng các axit béo omega-3 còn có thể tăng cường hệ thống miễn dịch của trẻ bằng cách tăng cường chức năng của các tế bào miễn dịch.

Cách chế biến:

Bạn có thể dùng cá hồi để chế biến thành nhiều món khác nhau cho bé như chà bông cá hồi, cháo cá hồi củ dền, khoai môn, cháo cá hồi bí đỏ, cá hồi áp chảo…

5. Trứng

Nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng khi cơ thể bị thiếu vitamin D, trẻ sẽ có nguy cơ bị bệnh cao hơn. Trứng là một trong những thực phẩm chứa nhiều vitamin D tự nhiên, không những vậy, trong trứng còn có chứa một số chất dinh dưỡng giúp tăng cường khả năng miễn dịch như vitamin B và selen.

Cách chế biến:

Trứng là loại thực phẩm rất dễ ăn và có thể chế biến thành nhiều món ăn khác nhau. Bạn có thể luộc trứng cho trẻ và làm thành một bữa nhẹ hoặc dùng trứng để chế biến thành các món ăn với cơm như trứng chiên, trứng hấp, trứng ốp la kết hợp cùng bánh mì cho bé bữa sáng thơm ngon…

6. Bông cải xanh

Bông cải xanh được mệnh danh là siêu thực phẩm bởi loại rau củ này chứa rất nhiều chất dinh dưỡng giúp tăng khả năng miễn dịch như vitamin C, A và E và một số chất chống oxy hóa.

Cách chế biến:

Bông cải xanh tuy có chứa nhiều thành phần dinh dưỡng nhưng được đánh giá là thực phẩm sử dụng nhiều phân bón hóa học để trừ sâu và thúc đẩy sinh trưởng. Do đó, bạn nên chọn mua sản phẩm được canh tác bằng phân hữu cơ để đảm bảo an toàn thực phẩm cho trẻ.

Bạn có thể chế biến bông cải xanh bằng cách nấu, luộc hoặc dùng bông cải xanh kết hợp với các nguyên liệu khác để chế biến thành những món ăn ngon miệng cho bé như súp bông cải xanh, bông cải xanh nghiền cà rốt, cháo bông cải xanh…

7. Rau chân vịt

Rau chân vịt (hay còn gọi là rau bina, cải bó xôi) là loại rau chứa đầy đủ các vitamin và khoáng chất giúp tăng cường hệ miễn dịch của cơ thể. Không những vậy, trong cải bó xôi còn có chứa những dưỡng chất rất cần cho sự phát triển của trẻ như sắt và kali giúp não bộ của bé phát triển toàn diện, hệ tuần hoàn máu hoạt động tốt hơn, canxi và magiê giúp hệ xương của bé phát triển tốt, vitamin A giúp tăng cường thị lực…

Cách chế biến:

Theo chuyên gia dinh dưỡng, bạn nên cho bé bắt đầu ăn các món ăn dặm với cải bó xôi từ tuần ăn dặm thứ 8 của trẻ. Khi chọn mua cải bó xôi cho bé, bạn chọn những bó rau tươi, không héo úa, giập nát. Bạn có thể nấu cháo cải bó xôi với thịt bò, thịt heo, tôm, trứng… để tạo thành món ăn hấp dẫn cho bé.

8. Khoai lang

Khoai lang chứa nhiều beta-carotene, một dưỡng chất được nhiều nghiên cứu chứng minh là có tác dụng làm tăng số lượng tế bào bạch cầu và tăng hoạt động của các tế bào tiêu diệt tự nhiên. Không những vậy, khoai lang còn là một nguồn cung cấp vitamin C dồi dào giúp tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ.

Cách chế biến:

Khoai lang cần phải được nấu chín kỹ, nhừ trước khi cho bé ăn. Bạn có thể luộc, hấp hoặc nướng chín khoai lang trước khi chế biến thành món ăn cho bé. Sau đó, nghiền thật mịn khoai lang với chút nước hoặc ít sữa mẹ (hay sữa công thức đã pha) và cho bé thưởng thức. Ngoài ra, bạn cũng có thể dùng khoai lang để chế biến thành các món ăn như khoai lang dầm sữa chua, bánh khoai lang, chè khoai lang, khoai lang lắc phô mai…

9. Các loại hạt

Các loại hạt như hạt bí, hạt hướng dương, hạt lanh có tác dụng tăng cường hệ miễn dịch rất tốt. Bạn nên cho trẻ ăn nhiều thực phẩm này để giúp bổ sung vitamin E, kẽm và axit béo omega-3.

Cách chế biến:

Bạn có thể trộn các loại hạt lại với nhau và tạo thành món ăn nhẹ cho bé. Ngoài ra, bạn cũng có thể rắc những loại hạt này lên món salad hoặc rắc bột hạt lanh xay nhuyễn vào món sinh tố để tăng hương vị.

10. Yến mạch

Yến mạch có chứa beta-glucans, một dưỡng chất có tác dụng kích hoạt các tế bào miễn dịch tự nhiên giúp phòng chống nhiễm trùng, chữa lành vết thương, tăng cường hệ miễn dịch và tiêu diệt tế bào ung thư.

Cách chế biến:

Yến mạch là loại thực phẩm có thể dễ dàng kết hợp với nhiều nguyên liệu khác để tạo thành nhiều món ăn hấp dẫn. Bạn có thể nấu cháo yến mạch với thịt bằm, thịt bò, rau củ hoặc trộn với sữa và cho bé thưởng thức.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *